20130221

Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam :Thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407

Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam :Thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407

Description: tăng kích thước chữ
Nguyên đây là một phần trong thiên khảo luận dài có tên “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Minh và văn học yêu nước thế kỷXV cùng những bước nối tiếp vềsau” viết năm 1980, in trong công trìnhVăn học Cổ cận đại Việt Nam – Từgóc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuậtcủa GS Nguyễn Huệ Chi (NXB Giáo dục, 2013) đã được phê bình, giới thiệu trên nhiều trang mạng và báo chí trong nước thời gian gần đây. Diễn Đàn trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Huệ Chi đã cho phép trích đăng bài viết đóđể giúp bạn đọc nhìn sâu vào một khía cạnh đặc biệt thâm hiểm của Hoàng đế Minh Thành Tổ – kẻ thiết kế toàn bộ kế hoạch đánh chiếm Việt Nam ở đầu thế kỷ XV: âm mưu đồng hóa người Việt bằng một chủtrương rất bài bản và “cao tay”... là lệnh cho quân lính xóa sạch tại chỗ văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc Việt tại những nơi chúng tràn đến như nước lũ. Hầu hết cứ liệu đề cập trong bài được rút từ một cuốn sử Trung Quốc – cuốnViệt kiệu thư 越嶠書của sử thần Lý Văn Phượng 李文鳳,soạn năm 1540.
Vào năm cuối cùng của thế kỷ XIV, lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam diễn ra một bước ngoặt: Hồ Quý Ly lậtđổ ngai vàng của nhà Trần mà thành lập một triều đại mới– triều đại nhà Hồ. 32 năm trước đó, năm 1368, lịch sửchế độ phong kiến Trung Hoa cũng đã từng diễn ra một bước ngoặt: nền thống trị của đế quốc Nguyên– Mông bị phong trào nông dân Trung Quốc đánh đổ; Chu Nguyên Chương nhảy lên ngai vàng với bộlễ phục của một triều đại mới – triều đại đế quốc Minh. Trước sau 30 năm, trên hai đất nước láng giềng, các ông chủmới đã lần lượt thế chân các ông chủ cũ. Nhưng tình hìnhđó tuyệt không làm thay đổi một chút nào mối quan hệ vốn có. Trái lại, nó chỉ càng làm nặng nề thêm những gì trong quá khứ vốn đã quá nặng nề.Những vị Hoàng đế nhà Minh –mới nắm được “ngôi trời” – cảm thấy mình còn dư sức, con mắt thèm khát nhìn ngay xuống mảnh đất giàu có phương Nam với lòng tự tin rằng, mình có thể làm được cái việc“chinh phục” Đại Việt mà những đế chế trước mình đã phải bó tay. Về phía các vua nhà Hồ, cố nhiên họ hiểu rất rõ dã tâm đó của “thiên triều”. Ngay khi vừa lên ngôi, họ đã tích cực chuẩn bị lực lượng quân sự để đối phó. Thế rồi, vào ngày 19 tháng 11 năm 1406, chiến cuộc đã nổ ra, gay gắt, chớp nhoáng. Nhà Hồ thất sách về chính trị và sai lầm chiến thuật về quân sự nên chưađầy một năm sau đành lâm vào thất bại. Vua Minh lập tức cho đổi trở lại tên Đại Việt thành quận Giao Chỉ, quàng vội ách đô hộ lên khắp nước ta.
Nhưng nhân dân Đại Việt vốn đã có truyền thống hàng nghìn năm cảnh giác với kẻ thù phương Bắc,đâu dễ dàng cam chịu ngồi yên. Và khi mà Minh Thành Tổ tưởng mọi việc đã xong, ra lệnh cho quân lính sửa soạn rút lui, thì cũng chính là lúc một phong trào kháng chiến cứu nước của nhân dân bắt đầu trỗi dậy. Rồi từ đó, hết phong trào này đến phong trào khác, cuộc chiến đấu vì độc lập của xã tắc đã kéo dài hơn 20 năm cho kỳ đến thắng lợi.
*
* *
Điều cần nói ngay là bộ mặt lịch sử của thế kỷ XV đã hiện ra với tất cả vẻ khốc liệt và dữ dội. Không phải bản thân chiến cuộc 1406 với tầm mức gay gắt của nó quyết định sự dữ dội này. Mấy thế kỷ trước, đám chúa trùm phong kiến Tống, Nguyên chẳng cũng đã mở những cuộc tấn công quy mô xuống Đại Việt, và về so sánh lực lượng, lần tấn công nào của họ mà lại không có cái thế tưởng như ápđảo kinh hồn? Nhưng vấn đề đặt ra trong cuộc xâm lăng lần này là nó nhằm thực hiện một mưu đồcòn hiểm sâu hơn cái việc cướp nước, giết dân thông thường, của một tên “Đại Hán”mà sự tàn bạo, xảo quyệt và man rợ trong thời đại của y có thể đứng vào loại nhất nhì thế giới. Ở tên Đại Hán đó có sự tích lũy tất cả những kinh nghiệm tàn ác của cha ông y trong quá khứ, kết hợp với những mánh khóe ranh ma mới mẻ nhất mà thời đại mới mang lại cho y. Chính vì vậy, nguy cơ của cuộc xâm lăng lần này đã đặt người dân Đại Việt trước một yêu cầu thức tỉnh toàn diện đểcó thể đứng vững, hơn thếnữa, để lớn vượt lên. Cuộcđấu tranh giành lại chủ quyền và xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông ta trong vòng hơn 20 năm (1406 - 1427) rõ ràng là một cuộc vật lộn oanh liệt mà kết quả đã tạo ra một bước đổi thay lịch sử phi thuờng. Nắm cho được bộmặt lịch sử của thế kỷ XV chính là nắm cho được hai điển hìnhđối lập tuyệt đối trong bướcđổi thay lịch sử phi thường đó: kẻ thù là kẻ thù mới với những thủ đoạn xưa kia chưa từng thấy, nhưng về mặt mưu đồ và bản chất hiểm ác vẫn chính làhiện thân của những tên xâm lược cũ;và dân tộc ta tuy gắn bó với quá khứ sâu nặng nhưng lại làmột dân tộc đang thăng hoa khỏi tầm vóc quá khứ, biểu hiện một sức mạnh hồi sinh.
Ngón đòn cổ điển nhất của các vịHoàng đế phương Bắc trước hết là những âm mưu gây hấnđối với Việt Nam. Về phương diện này, nhà Minh đã tỏ ra không kém cạnh chút nào so với các triều đại cha anh của họ. Vì thế, cũng giống như tình hình của rất nhiều cuộc “Nam chinh” trong quá khứ, chiến cuộc 1406 thật ra đãđược “thiên triều” chuẩn bị chu đáo trước đấy lâu lắm rồi. Vấn đề là về hình thức, phải tìm ra một cái cớthích hợp để mà “sinh sự”,và về thực chất, phải làm sao dò thật trúng thực lực của Đại Việt để lượng sức mình. Hai mặt này thường vẫn gắn chặt với nhau, tác động lẫn nhau trong quá trình chuẩn bị âm thầm của họ.Năm 1377, chỉ mới chín năm sau ngày giành được địa vị “con trời”, ông vua Minh đầu tiên đã nóng nảy muốn vin cớ vua Trần DuệTông nước ta tử trận trong cuộc thân chinh phương Nam (1377) mà cất quân sang hỏi... “tội” (!). Nhung “hỏi tội” một vị vua vì “chống nạn cứu dân” mà không may bịchết? Trước lời lẽ cứng rắn của Trần Đình Thâm, sứ giảnước ta, vua Minh đuối lý, không những phải cử người sang dự lễviếng, mà còn đành phải gác lại bao nhiêu mưu kế những toan đem thi thố phen này(1). Dĩnhiên, gác lại không có nghĩa là xếp bỏ hẳn, mà chỉ là buộc lòng nén lại những dự định bên trong ngày một sục sôi. Tháng 9 năm 1384, nhân cho quân lính tiến xuống đánh Vân Nam, vua Minh thảo công văn đòi nước ta cấp lương cho đạo quân “tiễu phạt” của y. Ta nhân nhượng. Rồi các năm 1385, 1386, vua Minh vẫn đưa ra những yêu sách vô lý, phiền hà. Nào bắt nộp hoạn quan, nào muốn tìm giống cây xứ nóng, thậm chí đòi cả voi để “thiên triều” mangđi đánh trận. Năm 1395, Minh còn trắng trợn sai bọn Nhâm Hanh Thái sang xin ta giúp 5 vạn quân, 50 con voi và 50 vạn hộc lương với dụng ý chộp bắt sứ giả của ta đểkiếm chuyện. Nhưng Nhâm Hanh Thái lại mật báo cho ta biết trước, vì thế ta đã kịp thời đề phòng, chỉ cho chở một ít lương lên biên giới rồi rút về ngay chứkhông cấp lính và voi.
Một vài ví dụ như trên cũng đủ thấy tên lãnh chúa phong kiến phương Bắc mới phất lên này nóng lòng dòm ngó Đại Việt đến đâu. Nhưng mặt khác, một thực tế cũng dễ thấy là mặc dù rất tham lam, các ngài ngự “Đại Minh”vẫn phải kéo dài việc chuẩn bịxâm lược suốt 30 năm, từ đời vua cha đến đời vua cháu(2). Vì sao có cái mâu thuẫn hết sức lạ đời đó? Chắc hẳn trong khi rút kinh nghiệm quá khứ, bài học thảm bại chưa xa xôi gì của những kẻ “đi trước” đã không khỏi làm cho các ngài đâm ra e ngại, trùng trình: “Nước An Nam tuy ở góc biển nhưng xưa kia đã là quận huyện của Trung Quốc. Từ đời Ngũ quý về sau sức ta không còn chế ngự nổi họ. Qua Tống đến Nguyên, tuy muốn mưu đồ nhưng không thành, chỉ để tiếng chê cười cho hậu thế”(3).Đấy là lời thú nhận của Minh Thành Tổ trong sắc chỉ y gửi viên Tổng binh Chu Năng – viên tướng đầu tiên cầm quân sang đánh Đại Việt theo lệnh của y – đề ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Cũng ở sắc chỉ đó còn nêu một lời nhận xét của Minh Thành Tổ về nguyên nhân thất bại của Tống và Nguyên: “Tống cũng nhưNguyên đều cho quân sang đánh An Nam, nhưng tướng thì kiêu, binh thì lười, lại còn tham tài hiếu sắc, vì thế mà không thành”(4). Sự thật thì tuy làm ra vẻ cười ngạo tổ tiên mình, ông Hoàng đếkhét tiếng về tham vọng và tàn bạo này cũng chẳng can đảm hơn bao nhiêu trên vấn đề xâm lược Việt Nam. Năm 1403, bốn năm sau khi HồQuý Ly đã cướp ngôi nhà Trần, tình hình mâu thuẫn và bế tắc trong tập đoàn phong kiến Trần – Hồ không những không giải quyết được mà còn thêm gay gắt, cái cớ gây hấn đã có thể kiếm ra rất dễ, điều kiện gây hấn cũng đã hết sức thuận lợi; lại cũng là năm Minh Thành Tổ vừa dùng mọi thủ đoạnđoạt được ngôi từ trong tay cháu ruột của mình; ấy thế màđối với nước ta, ông ta vẫn sợ và gờm, chỉ mới dám cho bọn hoạn quan người Việt trở về làm do thám một lần cuối, và chuẩn bị nội ứng, ước hẹn ngoàiđánh vào thì trong cắm cờ vàng làm hiệu. Thế rồi, phải ba năm sau nữa, khi mọi yêu cầu tìm hiểuđã được đáp ứng đầyđủ, cảm thấy không còn một trở ngại nào đáng kể trên con đường tiến xuống kinh đôĐại Việt, Minh Thành Tổ bấy giờmới thật quyết tâm khởi thế công. Một mặt, ông ta vờ làm to chuyện lên rằng đến lúc này không ai còn chịu đựng nổi những việc Hồ Quý Ly truất ngôi các vị vua Trần và giết hại đám con cháu nhà Trần (vốn là việc đã xảy ra sáu, bảy năm về trước!):“Bề tôi [cũ của họ Trần] là [Lê] Quý Ly và Lê [Hán] Thương từ lâu nuôi lòng lang sói, rốt cuộc làm việc cắn càn, ra tay thí nghịch quốc vương, tàn sát người trong dòng họ Trần, cả những bềtôi của họ Trần cũng trong vòng thảm khốc, bị hãm vào chỗ chết. Bọn chúng gieo đau khổ cho sinh dân,đến gà chó cũng không yên sống, tiếng hờn oán dấy lên đầyđường”(5). Mặt khác, với ngón bịp sởtrường từ tổ tiên mình truyền lại, ông ta lại cũng ra điều ta đây bất nhẫn, không định gây việc can qua làm gì, chỉ vì Hồ Quý Ly quá lắm nên phải động binh; song động binh mà vẫn rất nhân từ, muốn thu xếp ổn thoả bằng cách cho cha con họ Hồ “đem trăm vạn lạng vàng và một trăm con voi ra chuộc tội. Nếu không đủ thì cho phép đem châu ngọc bảo bối thế vào cho đủ. Có thế đại quân mới không tiến sang”(6). Kỳ thực, có đúng thế hay không? Trong đạo sắc bí mật gồm 10 điều căn dặn riêng viên Tổng binh Chu Năng– gửi mấy ngày trước ngày ban bố tờ chiếu công khai trên đây– Minh Thành Tổ đã thổ lộ“can tràng” của ông ta: “Nay sai Chu Khuyến, Trương Anh đem công văn của Bộ Lễ sang An Nam đòi nộp voi và vàng. Làm kế ấy để cho chí chiến đấu của chúng buông lỏng chứ không phải là thực bụng. Khi bọn Chu Khuyến ra đi, trẫm từng gặp mặt phủ dụ, bảo chúngđến nuớc họ chỉ ở lại 5 ngày, nếu 5 ngày chưa xong thì cho phép được bao nhiêu hãy cứnộp truớc, sau sẽ sai người mang tiếp sang nộp cho đủ. Ngươi chờ cho bọn Chu Khuyến đi rồi thì đại quân phải tức khắc xuất phát theo sau. Nếu gặp kẻ đuợc phái sang nộp voi và vàng thì cứ bắt giữ lại đểtra hỏi tin tức, nhưng đừng hở cho họ biết kẻ sai đi đã bịbắt... Nay bọn Chu Khuyến vào nướcđó, mọi việc ngươi nhất thiết chớ hở ra cho ai biết”(7).
Gớm ghê thay miệng lưỡi từ bi và lòng dạthực của đấng “thiên tử”!Duy có điều là ngay cả vào lúcđó rồi mà ngài vẫn còn e dè gửi tiếp những sắc chỉ căn dặn: nào là “nước An Nam giàu mạnh đã lâu”(8), nào là “quân lính của họtất có phòng bị trước”,nào là “cha con họ Lê – tức họ Hồ – lắm mưu mẹo giảo quyệt”, tuyệt nhiên không thể sơhở hoặc xem thường. Trong nhiều đạo sắc, Minh Thành Tổ đều tỏ ý lo lắng khi quân mình vượt sông Phú Lương là chỗ hiểm yếu bậc nhất, sẽ thua mưu kế của HồQuý Ly. Y viết rõ trong một sắc chỉ đề ngày 14 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1407) nói về đạo binh của Trương Phụ: “Cứ đóng quân mãi trên sông giằng co với giặc chính là rơi vào mưu kế của giặc Lê [Quý Ly] nhằm giữ chân quân ta thật lâu, đợi cho dịch lệphát sinh; vì thế phá được mưu này thì phải thần tốc khôngđược trì hoãn”(9).
Rõ ràng, vừa khát thèm lại vừa e sợ, vừa hung hăng lại vừa lo ngại, vừa ráo riết sửa soạn lại vừa trù trừcho đến tận phút cuối cùng, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minhở thế kỷ XV quả đã không còn là ngón đòn mới mẻgì đối với nhân dân Việt Nam. Bước ra quân ban đầu của“thiên triều” phải mang tính chất hai mặt: nhanh mà chậm, nóng mà lạnh, đánh thực mà cũng làđánh dứ, cũng chính là vì vậy.
*
* *
Tuy nhiên, đấy chỉ là cái dè dặt của buổi ban đầu. Khi đã dấn sâu vàođất nước ta, thấy rõ chỗthất thế của nhà Hồ, bọn giặc xâm lược liền lộ hết vuốt nanh và hành vi táo tợn. Một chiến lược tập kích ồ ạt nhằm phá vỡ phòng tuyến chính để tiến thẳng đến Thăng Long, và từ Thăng Long đánh toả xuống phía Nam, được thi hành. Một chế độ thống trịngoại bang được dựng lên chớp nhoáng ở khắp mọi miền, thành thị cũng như nông thôn mà chúng vừa đặt chân đến. Và một chính sách chém giết thẳng tay cũngđược đem ra ban phát lập tức cho dân chúng. “Trương Phụ điđến đâu là giết hại, hoặc chất thây người thành núi, hoặc rút ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ,hoặc làm nhục hình bào lạc đểmua vui. Thậm chí có kẻ mổ bụng người chửa, moi thai, cắt lấy tai của mẹ và con để tính làm hai mạng người”(10).
Có thểnói, nói đến đặc điểm thứ hai trong chân dung của tên xâm lược mới ở thế kỷ XV là nóiđến hình ảnh các viên quan cai trị nhà binh với tất cả những thủ đoạn giết người – trịngười – dùng người gắn bó với nhau một cách tinh vi và nham hiểm. Sau nhiều lần cố gắng phản công ởHàm Tử, Lỗi Giang, Điển Canh, KỳLa,... nhưng đều thất bại, vào tháng 6 năm 1407, nhà Hồ cùng quẫn và bị bắt ở núi Thiên Cầm. Cả nước rơi vào tay giặc, và trở thành một lò sát sinh, một công trường lao dịch khổ sai, một nơi để giặc Minh thoả sức tìm tòi thức ngon của quý. Ngay trong những ngày đang trên đường tiến sang nước ta, bọn tướng tá viễn chinh đã nhận được sắc chỉcủa vua Minh căn dặn hễ đến đâu là phải tịch thu hết giấy tờ, sổsách kê khai nhân khẩu và ruộngđất đến đấy; phải lập ngay chế độ thuế khóa trên những vùng vừa chiếm đóng; và chú ý khai thác các mỏ bạc, mỏvàng. Kể cả những mỏ nằm trên biên giới Việt – Chiêm, chưa rõ thuộc phần đất bên nào, cũngđược lệnh cứ cướp lấy chứ không cần tra xét hư thực(11). Hai cơ quan Kim trường cục và Châu trường cục được thành lập, nhằm xua dân miền biển và miền núi vào mọi công việc đãi vàng, mò vàng, mò ngọc. Chưa hết. Còn chế độ lao dịch ở đồng quê, ở thành thị... Đâuđâu cũng cái cảnh “bị người Minh sai khiến mà mất cả gia thuộc”(12),“bị bắt hết làm nô tỳ và chuyển bán đi mà tan tác bốn phương”(13).
Đẩy nhân dân Đại Việt đến chân tường, giặc Minh phải đâu đã thoả.Chúng còn tìm cách thâu tóm vào tay mình hoặc nếu không thì triệt cho hết trong đám người còn sống sót những ai thật sự có tài năng. Hễ nghe ở đâu trong các châu quận nước ta có thầy hay, thợ giỏi, bọn quan cai trị đều cho lập danh sách đem “tiến” vềYên Kinh. Các loại người bị tiến nhiều nhất là thầy thuốc, thợthủ công, ca nữ tuyệt sắc, thầy bói và thầy địa lý;...
Mỗi năm Minh hoàng lại gửi sang một lệnh. Mỗi năm, hàng nghìn người dân Việt lại lìa bỏ gia đình xứ sở,ra đi, để rồi không bao giờ trởvề.
Nhưng cho dù có tìm mọi mưu kế bắt và giết người dần mòn để bổsung cho những cuộc tàn sát hàng loạt thì vẫn không thể nào là kế sách cai trị vẹn toàn. Giặc Minh biết vậy nên cũng lại ra sức thi hành một chính sách “mặt trái” rất khôn khéo: chính sách mỵ dân. Trong một đạo sắc, vua Minh khẩn khoản dặn đám tướng tá: hễ người dân Việt nào chống lại thì diệt kỳ sạch, nhưng ai đã đầu hàng thì phải tha ra, không giết bừa(14). Tưởng chừng đại Hoàng đếngài nhân từ có một. Có ngờ đâu, tha, theo ý ngài, là bắtđem “cung hình” (thiến) nhất làđối với lớp người Việt trẻ(15), sau đó cung cấp cho cái chế độquan liêu đồ sộ của Minh hoàng vốn đang rất thiếu nô bộc và thái giám hầu hạ!
Đặc biệt, trong chính sách dùng người, nhà Minh đã tỏ rõ khả năng vượt hơn những kẻ xâm lược xưa kia một bước rất dài. Trừ những chức quan cao cấp ra, chúng đặt người Việt vào mọi địa vị quan chức từ quận, huyện trở xuống. Và một chính sách lục dụng đám trí thức, quan lại cũ của Đại Việtđược ban bố trong rất nhiều đạo sắc từ 1406 đến mãi những năm sau khi khởi nghĩa Lam Sơn đã nổi dậy, có thể nói là nhiều nhất trong số sắc chỉ của các vua Minh vềvấn đề Việt Nam. Đây quả là một đường lối mà nhà Minh kiên nhẫn theo đuổi đến cùng. Có trường hợp những người có tên tuổi, hoặc có ảnh hưởng trong dân chúng như Nguyễn Cảnh Chân,Đặng Tất, Phạm Thế Căng, Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Dao,... chính vua Minh trực tiếp chỉ thị phải dụdỗ cho bằng được(16). Có trường hợp khác như Bùi Bá Kỳ, bọn quan lại dưới quyền sơ ý để đến nỗi ông ta từ chỗ chạy sang Minh cầu cứu đến chỗ mất hết lòng tin tưởng, vua Minh cũng trực tiếp xuống chỉ rút kinh nghiệm về việc “dùng người”và than thở không thôi(17). Sự chu đáo trong chính sách “chiêu hồi” này còn biểu hiện ởcung cách chiêu hồi: tất cả đềuđược lập thành danh sách, mời về Yên Kinh khoản đãi và đểcho bọn quan lại cao cấp nhà Minh chủyếu là Hoàng đế “bồi dưỡng về lập trường quan điểm”, rồi sau đấy lại được trả trởvề Giao Chỉ, phân bổ đi nhận các chức quan(18).
Nhưng thủ đoạn mỵ dân mà nhà Minh lưu tâm hàng đầu – và từ đây cũng sẽ đẻ ra nhiều nhiệm vụphức tạp cho cuộc đấu tranh chính trị chống xâm lược – chính là một phương sách hai mặt: vừa triệt để thống nhất về bản chất với những tên xâm lược trong quá khứ, lại vừa làm ra vẻgiữa mình và quá khứ có một bước ly khai. Ngay trong đạo sắc 10 điều của Minh Thành Tổ đề ngày 8 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21.8.1406) gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng trên đường y cất quân sang Đại Việt, đã dẫn một phần ởtrên, có một điều thứ tư rấtđáng chú ý: “Hỏi xem cộtđồng trụ hiện dựng ở đâu, phải đập cho nát và ném ra ngoài đường, để cho nguời trong nước đều trông thấy”(19). Chắc ai cũng phải lấy làm lạ: một bằng chứng “chinh phục” tiếng tăm của Mã Phục Ba thời Hán, cũng là một dấu vết của sự sỉ nhục mà người Việt nhiều đời đã phải ném đá chồng lên cho mất tích, ấy thế mà vua Minh lại bắt phá đi? Ông ta hớ hênh dại dột, hay ngông cuồng, hay thật bụng nhânđức? Đâu có phải vậy! Thực tình Minh Thành Tổ coi đây là một việc hệ trọng, và trong những sắc chỉ ban bố một năm sau đó, ông ta còn nhắc lại điều này(20). Dám hy sinh đến cả “sự nghiệp”vênh vang của “tiền nhân”, phải chăng tên đầu sỏ xâm lượcở thế kỷ XV muốn nhờ đấyđánh đổi lấy một bộ mặt mới, chí ít cũng giúp y che giấu phần nào cái bản chất “mộtđồng một cốt” giữa y với Mã Viện, để y có thể thừa cơtung hoành? Có lẽ! Nhưng chắc chắn còn những lý do thâm trầm hơn. Kinh nghiệm xương máu đã cho tên trùm Đại Hán thấy, đụng đầu vào xứ sở Đại Việt quả làđiều gay. Một cột đồng trụnhững tưởng nhục mạ được dân Nam và trói chặt họ vào một cái mốc “chiến bại”,thì rốt cuộc cũng có nghĩa gìđâu khi mà, vượt lên trên tất cả những thứ cột mốc hình thức kia, một quy luật lịch sử lạnh lùng – mà ngay nhiều tên xâm lược cũng phải đành lòng thừa nhận – cứ tự nó phát huy tác dụng: “... dù có cướpđược nước họ thì rồi cũng không thể giữ được”(21). Có nghĩa là chỗ khó khăn nhất, mà quả là khó, là làm sao biến được dân tộc Việt thành người Trung Quốc, để vĩnh viễn họ không còn tìm cách nổi dậy, và đất nước họ vĩnh viễn là quận huyện của “thiên triều”?Thủ đoạn đập phá cột đồng trụ của Minh Thành Tổ chính là một cách lý giải mới đối với bài tính nát óc này. Y quyết tâm phủ nhận những ràng buộc vô hiệu bề ngoài mà tìm kiếm những ràng buộc lợi hại hơn hẳn. Đó là những trói buộc nghiệt ngã trên lĩnh vực tư tưởng, những quy định có tính chất chuyên chế, độc đoán về sinh hoạt tinh thần.
Lần đầu tiên, trong lịch sử xâm lược Đại Việt của bọn chúa tể phong kiến Trung Quốc, tên xâm lược nhà Minh áp đặt một cách gay gắt vấnđề hệ tư tưởng đối với xã hội Việt Nam. Trong bản bố cáođề ngày 8 tháng Tư năm 1407, sau khi chiếm xong nước ta, Minh Thành Tổdành hẳn một đoạn khá văn hoa để nhấn mạnh rằng, một trong những tội trạng của Hồ Quý Ly khiến “ngài” không thể không“chinh thảo”, là họ Hồ đã tự coi “đạo của mình hơn cảTam vương, đức cao hơn Ngũ đế,cho Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương không đủ để noi theo, Chu Công Khổng Tử không đáng làm thầy mình, giễu Mạnh Tử là nhà nhoăn cắp, nhạo Chu [Đôn Di], Trình [Hiệu, Trình Di], Truơng [Tải], Chu [Hy] là phường trộm cướp”(22), v.v. Cơn giận của “ngài” kểcũng dễ hiểu, bởi một nước tựxưng là “thần tử” của Hoa hạ làm sao có thể dám coi thường cái đạo mà các Đại Hoàngđế Trung Quốc tôn thờ? Nhưng còn một lẽ sâu xa nữa là có đưađạo Nho lên làm “đạo thống”thì mới dễ dàng phát huy ảnh hưởng của “thiên triều” tới các cõi xa, nói như họ Khổng là“làm cho xa thư về một mối”.Và khi đã “gắn bó với nhau về ý thức hệ” thì há miệng mắc quai, cúi mọp đầu không dám phản kháng là điều dễhiểu.
Dù sao, vấnđề không chỉ giản đơn có vậy. Minh Thành Tổ muốn lấy đạo Nho để thống trị nhân dân Đại Việt, nhưng rồi y lại còn muốn đi xa hơn. Cuồng vọng bá chủ sôi sục khiến y cảm thấy như thế vẫn chưa thoả lòng. Tốt nhất là làm sao cho nước “man di” kia không còn có gì gọi là long mạch tưtưởng, tinh thần. Y muốn xóa sạchở cái dân tộc nhỏ bé phương Nam đầy sức tự cường mà trong lòng nhiều thế hệ những tên giặc Bắc vẫn rất khiếp sợ, toàn bộ ý thức về quá khứ lịch sửcủa chính họ. Mà xóa sạch được quá khứ của một dân tộc chính là cách cắt đứt nguồn tiếp sức quan trọng của dân tộc đó,đặt họ vào chỗ mù mịt tối tăm, phá tan đi cái nền tảng làm cho họ tồn tại và sinh thành. Muốn vậy phải làm thế nào? Không có cách nào hữu hiệu hơn là tàn phá không thương tiếc tất cảnhững gì là sản phẩm trí tuệcủa dân tộc này, nó là biểu trưng cho văn minh, văn hóa. Trong sắc chỉ 10 điều của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng đã nói ở trên, bên cạnh những điều căn dặn tỉ mỉ về cách chế ngự “hoảkhí” lợi hại của cha con họ Hồ,về việc tịch thu sổ sách kê khai nhân khẩu và ruộng đất, hoặcđập phá cột đồng trụ,... còn một điều đặc biệt hơn mọiđiều kia: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu“Thượngđại nhân, khưu ất dĩ”một mảnh một chữ đều phảiđốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữchớ để còn(23).
Thử lần tìm cái động cơ chính ẩn trong đạo sắc văn này. Tên vua Minh nói: tất cả những gì thuộc nền văn hóa chính quốc Trung Hoa, kểcả sách kinh của Phật và Lão,đều được giữ lại đầyđủ. Trái lại, bao nhiêu trước tác thuần túy Việt Nam thì đều phải phá hủy. Vậy ra, sự lựa chọn của y chẳng phải là đạo Nho hay một hệ tư tưởng chính thống nào cả. Đối với người Giao Chỉ cũng như các dân tộc bịy xâm lược, y chỉ cần một sựlựa chọn đơn giản, mà lại thực dụng hơn nhiều: hãy bắt họtừ bỏ tất cả những gì sinh ra trong đầu óc của chính dân tộc họ kể cả trong quá trình tiếp nhận những gì là vốn liếng tinh thần của “nước mẹ Đại Minh”. Ý hẳn Hoàng đế nhà Minh muốn bắt các dân tộc thôiđừng có tự mình tư tưởng nữa. Mà không tư tưởng, thì có nghĩa là... không tồn tại.
Thế rồi, từ trong thâm cung tại Yên Kinh, Hoàngđế nhà Minh ngày đêm lo theo dõi,đôn đốc việc thi hành lệnh chỉ đã ban ra. Đến nỗi khi thấy có một bộ phận quân lính không chịu làm theo đúng lệnh, nghĩa là không đốt ngay sách vở cướpđược của nước ta mà còn giữ lại, y lập tức gửi một tờlệnh thứ hai nhắc lại đúng nhữngđiều đã chỉ thị từ trước, lại giải thích rõ vì sao cầnđốt ngay tại chỗ chứ không nên giữ lại: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượngđại nhân, khưu ất dĩ”một mảnh một chữ đều phảiđốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phầnđông không biết chữ, nếu đâuđâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phảiđốt ngay, không được lưu lại(24).
Dĩ nhiên, ngay những tên đã trù mưu định kế ăn cướp nước ta cũng cảm thấy một chủ trương tàn bạo như thế thực muôn phần nguy hiểm. Nó sẽ dẫn đến làm nổ bùng lòng căm phẫn ngút trời của cảmột dân tộc, và sức mạnh có tính dây chuyền của sự bùng nổ đó chắc sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Cũng vì thế, đi kèm với những điều lệnh, Minh Thành Tổ còn bắt quân lính phải giữ thật kín chủtrương của mình. Sau gần một nămđốt phá, biết rằng yêu cầu của việc phá hoại về căn bảnđã xong, ngày 19 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (25 - 6 - 1407), y lại gửi một sắc chỉ xuống phương Nam ra lệnh cho các tướng lĩnh của y phải cấp tốc thu hồi những đạo dụy đã ban ra từ trước: “Nay An Nam đã bình định xong; [...] trừcác loại chế dụ ra còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành quốc công đã lĩnh, hoặc các thứ[sổ sách] trù nghị mọi việc,đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại, rơi vào tay bọn kia(25)thì rất bất tiện(26).
Tưởng cũng khó có thể chê trách gì về sự cao tay của Minh Thành Tổ trong việc xếp đặt đâu ra đấy từng bước “tiến”, “thoái”,“thắt”, “cởi” cho mọi hànhđộng tàn phá kinh khủng nhất của mình. Nếu nghệ thuật diệt chủng của y thâm thúy đến mức đẩyđối tượng bị tiêu diệt vào một tình trạng trống rỗng, hư vô, không còn quá khứ cũng không còn tương lai, nghĩa là cứ dần dần“tự diệt”, thì nghệ thuật xóa dấu vết của y cũng tinh vi đến mức y vừa ăn cướp lại vừa có thể hùng hổ la làng rằng bịcướp đe dọa. Âu đây chính là những dáng nét hiện đại nhất của tên xâm lược Đại Hán ở thế kỷ XV vốn sẵn có trong mình cái bản chất xâm lược dã man của nhiều thế hệ cha ôngđã thấm vào máu thịt; là cái được nhân lên, biến hóa sinh động hơn những thủ đoạn cướp đất giết dân hôm qua hôm kia còn rất quen thuộc mà nay đã bị xem là quá cổ lỗ và thật thà.
N.H.C.
Chú thích:
(1) XemĐại Việt sử ký toàn thư,Tập II, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội, in lần thứ hai, H., 1971; tr. 189.
(2) Thật ra, khi cháu Minh Thái Tổ lên nối ngôi thì chú y, tức Chu Đệ 朱棣liền cướp lấy mà lập ra triều đại thứ ba của nhà Minh (1402 - 1424), tức Minh Thành Tổ.
(3) Lý Văn Phượng 李文鳳,Việt kiệu thư 越嶠書(1540).Đây là một tài liệu quý, ghi chép khá đủ theo trật tựthời gian những đạo sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi đều đặn (thường là vài ngày một đạo)đến các tướng chỉ huy trong cuộc xâm lăng Đại Việt 1406-1407. Trướcđây chúng tôi chỉ tham khảo duy nhất văn bản cuốn sách này của Thư viện Khoa học xã hội: 173/1, nhưng năm 2001, sang làm việc ở Thư viện Yenching Harvard, tìm thêm được văn bản do Tề Lỗ thư xã xuất bản, Nam Kinh, 1996, vì thế có đối chiếu và điều chỉnh số quyển và tờ theo văn bản mới này, chệch nhau không đáng kể. Q. 2; tờ 29b: 今安南雖在海陬。自昔為中國郡縣。五季以來力不能制。歷宋及元雖欲圖之而功無所成。貽笑後世(Kim An Nam tuy tại hải tưu, tự tích vi Trung Quốc quận huyện. Ngũ quý dĩ lai lực bất năng chế. Lịch Tống cập Nguyên tuy dục đồ chi nhi công vô sở thành, di tiếu hậu thế).
(4) Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 31a (Điều ghi chú thứ 9 trong 18 điều khoản kèm theo tờ sắc này): 宋元皆發兵征討安南。將驕兵懦。貪財好色。以此不能成(Tống Nguyên giai phát binh chinh thảo An Nam, tướng kiêu binh nọa, tham tài hiếu sắc, dĩthử bất năng thành).
(5) “Chiếu bá cáo thiên hạ về việc bìnhđịnh An Nam”, đề ngày 1 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 43a. Nguyên văn: 其臣季孷黎蒼久畜虎狼之心。竟為吞噬之。舉弒其國王。戕其本宗。覃被陪臣重罹慘酷。掊剋殺戮。毒病生民。雞犬弗寧。怨聲載路(Kỳthần [Lê ] Quý Ly, Lê [Hán] Thương cửu súc hổ lang chi tâm, cánh vi thôn phệ chi, cử thí kỳ quốc vương, thương kỳ bản tông, đàm bịbồi thần trọng duy thảm khốc, bồi khắc sát lục, độc bệnh sinh dân, kê khuyển phất ninh, oán thanh tái lộ).
(6) Sắc chỉ đề ngày 29 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư,Sđd, Q. 2; tờ 28a. Nguyên văn: 今廣西奏。安南遣人來貢謝罪。原胡奄。父子罪本難容。今既改過自新。只著他辨黃金五萬。象一百隻。以贖其罪。金象不足。許以珠玉寶貝代之。以足其數即止。大軍不進(Kim Quảng Tây tấu: An Nam khiển nhân lai cống tạ tội. Nguyên Hồ yêm, phụtử tội bản nan dung. Kim ký cải quá tự tân, chỉ trước tha biện hoàng kim ngũ vạn, tượng nhất bách chích, dĩ thục kỳ tội. Kim tượng bất túc, hứa dĩ châu ngọc bảo bối đại chi, dĩ túc kỳ số tức chỉ, đại quân bất tiến).
(7) Sắc chỉbí mật, đề ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 27b. (Điều thứ10 trong 10 điều căn dặn kèm theo tờsắc này): 今遣朱勸張瑛齎禮部咨文往安南索其金象。此計蓋欲弛其鬥志。非真實意也。朱勸等臨行朕曾面諭之。今到彼只住五日。若五日內措辨不足。許隨多少先將來。後卻差人納足。爾待朱勸等人去。大軍隨後亦進。若遇差出納金象之人就執之。訖問聲息。須勿令彼知差來被執。今朱勸等到處。爾事機切不可令人知之(Kim khiển Chu Khuyến, Trương Anh tu Lễ bộtu văn vãng An Nam sách kỳ kim tượng.Thử kế cái dục thỉ kỳ đấu chí, phi chân thực ý dã. Chu Khuyếnđẳng lâm hành, trẫm tằng diện dụ chi, kim đáo bỉ chỉ trú ngũnhật. Nhược ngũ nhật nội thốbiện bất túc, hứa tùy đa thiểu tiên tương lai, hậu khước sai nhân nạp túc. Nhĩ đãi Chu Khuyến đẳng nhân khứ, đại quân tùy hậu diệc tiến. Nhuợc ngộ sai xuất nạp kim tượng chi nhân tựu chấp chi, cật vấn thanh tức. Tu vật linh bỉ tri sai lai bịchấp. Kim Chu Khuyến đẳng đáo xứ,nhĩ sự cơ thiết bất khả linh nhân tri chi).
(8) Sắc chỉngày 1 tháng Tám năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư, Q. 2, Sđd tờ 31a: 安南自我朝以來[。。。]數十年不曾用兵。其國中富庶(An Nam tự ngã triều dĩ lai, [...] sổ thập niên bất tằng dụng binh, kỳ quốc trung phú thứ).
(9) Việt kiệu thư, Sđd; tờ 37a. Nguyên văn:頓兵江上與賊相持。黎賊之計正欲持久以待瘴癘之發。破之貴在神速。不宜遲緩(Đốn binh giang thượng dữ tặc tương trì, Lê tặc chi kế chính dục trì cửu dĩ đãi chướng lệ phát. Phá chi quý tại thần tốc, bất nghi trì hoãn).
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Cao Huy Giu dịch, 1971, Sđd; tr. 262.
(11) Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 34b đềrõ, ngày 6 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ ban hành một điều khoản như sau: 安南金場。銀場遙聞原是占城之地而界相爭已久。亦未可信。平定之後。只以見得地界為準。縱然占城有請亦不可擬還(An Nam kim trường, ngân trường dao văn nguyên thị Chiêm Thành chi địa, nhi giới tương tranh dĩ cửu, diệc vịkhả tín. Bình định chi hậu, chỉ dĩ kiến đắc địa giới vi chuẩn. Túng nhiên Chiêm Thành hữu thỉnh, diệc bất khả nghĩ hoàn). Nghĩa là: Từ xa trẫm nghe nói mỏvàng mỏ bạc nguyên là phần đất Chiêm Thành, địa giới hai bên tranh chấp đã lâu, cũng chưa rõ thế nào. Sau khi bình định xong, cứlấy địa giới mà mình trông thấy làm chuẩn, nếu Chiêm Thành có cầu xin cũng không trả.
(12), (13) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Cao Huy Giu dịch, 1971, Sđd; tr. 250, 262.
(14) Sắc chỉ đề ngày 4 tháng Mười một năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 37a. Nguyên văn: 大軍入安南。但有助黎寇來拒敵者殺之。若有能棄甲卻戈降者。一人不可妄殺(Đại quân nhập An Nam, đãn hữu trợ Lê khấu lai cự địch giả, sát chi. Nhược hữu năng khí giáp khước qua hàng giả, nhất nhân bất khảvõng sát).
(15) Sắc chỉ đề ngày 16 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Việt kiệu thư,Sđd, Q. 2; tờ 35a. Nguyên văn: 其有年少而罪當死者。宜處以宮刑。亦可以保全其命。他日又得以克使令(Kỳhữu niên thiếu nhi tội đáng tửgiả, nghi xử dĩ cung hình, diệc khảdĩ bảo toàn kỳ mệnh, tha nhật hựuđắc dĩ khắc sử lệnh).
(16) Sắc chỉ đề ngày 29 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư,Q. 2, Sđd; tờ 59a.
(17) Sắc chỉ đề ngày 20 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 46a. Nguyên văn: 敕傳奏言裴伯耆事為將之。道在於用人。一裴伯耆不能用何以能成事功俠。朕有南鄙又憂。古人用人之法具右方冊。爾宜審觀故敕(Sắc truyền tấu ngôn Bùi Bá Kỳ sựvi tương chi. Đạo tại ư dụng nhân, nhất Bùi Bá Kỳ bất năng dụng, hà dĩ năng thành sự công hiệp? Trẫm hữu Nam bỉ hựu ưu. Cổnhân dụng nhân chi pháp cụ hữu phương sách, nhĩ nghi thẩm quan cốsắc).
(18) Sắc chỉ đề ngày 22 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư,Q. 2, Sđd; tờ 40a - b. Nguyên văn: 凡安南官吏來歸降者。即陸續遣之來朝。聽朕面諭。給與印信俾還管事。如或事世未可又在。隨宜處置。不可執一(Phàm An Nam quan lại lai quy hàng giả, tức lục tục khiển chi lai triều, thính trẫm diện dụ, cấp dữ ấn tín, tỷhoàn quản sự. Nhu hoặc sự thếvị khả hựu tại, tùy nghi xử trí, bất khả chấp nhất).
(19) Điều thứ tư trong Sắc chỉ bí mật, đềngày 4 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ4 (21 - 8 - 1406), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 26b. Nguyên văn: 訪問古時銅柱所在亦便碎之。委之於道以示國人(Phỏng vấn cổ thời đồng trụ sở tại, diệc tiện toái chi, uỷ chi ư đạo dĩ thị quốc nhân).
(20) Điều ghi thêm thứ hai trong Sắc chỉ đềngày 7 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 40a.
(21) Trích thư bọc sáp của tướng Minh Vương Thông gửi về nước năm 1427. Một viên quan cai trị khác của nhà Minh là Giải Tấn cũng từng tâu lên vua Minh những lời tương tự. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội, in lần thứ hai, H., 1972; tr. 47.
(22) “Chiếu bá cáo thiên hạ về việc bìnhđịnh An Nam”, đề ngày 1 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407),Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 43a. Nguyên văn: 自以為道優於三王。德高於五帝。以禹湯文武不足法。周公孔子為不足師。毀孟子為盜儒。謗周程張朱為剽竊。欺聖欺天。無倫無理(...tự dĩ vi đạo ưu ư Tam vương,đức cao ư Ngũ đế, dĩ VũThang Văn Vũ bất túc pháp, Chu Công Khổng Tử vi bất túc sư, hủy Mạnh Tử vi đạo Nho, báng Chu Trình Trương Chu vi phiếu thiết. Khi thánh khi thiên, vô luân vô lý).
(23) Sắc chỉbí mật, ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, đề ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21 - 8 - 1406) –theo bản Thư viện KHXH: 1731/I. Trong bảnViệt kiệu thư do Tề Lỗ thưxã xuất bản thì không đềngày, nhưng xếp thứ tự ở giữa hai đạo sắc ban bố ngày 4 - 7 - 1406 và ngày 29 - 7 - 1406). Việt kiệu thư,Sđd, Q. 2; tờ 26a - b. Nguyên văn: 兵入。除釋道經板經文不燬。外一切書板文字以至俚俗童蒙所習。如上大人丘乙已之類。片紙隻字悉皆燬之。其境內中國所立碑刻則存之。但是安南所立者悉壞之。一字不存(Binh nhập, trừ Thích, Đạo kinh bản kinh văn bất hủy. Ngoại nhất thiết thư bản văn tự dĩ chí lý tụcđồng mông sở tập, như “Thượngđại nhân Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự tất giai hủy chi. Kỳ cảnh nội Trung Quốc sở lập bi khắc tắc tồn chi. Đãn thị An Nam sở lập giả tất hoại chi, nhất tự bất tồn).
(24) Sắc chỉ đề ngày 10 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (16 - 6 - 1407), Việt kiệu thư,Thư viện KHXH: 1731/I. Q. 2; tờ 49a (trong bảnViệt kiệu thư do Tề Lỗ thưxã xuất bản đạo sắc này bịxếp vào thời điểm sau khi đã chiếm xong nước ta, điều này không hợp lý). Nguyên văn: 屢嘗諭爾凡安南所有一切書板文字。以至俚俗童蒙所習。如上大人丘乙已之類。片紙隻字及彼處自立碑刻。見者即便毀壞勿存。今聞軍中所得文字不即令軍人焚毀。必檢視然後焚之。且軍人多不識字。若一一令其如此。必致傳遞遺失者多。爾今宜一如前敕。號令軍中但遇彼處所有一應文字即便焚毀。毋得存留(Lũthường dụ nhĩ, phàm An Nam sở hữu nhất thiết thư bản văn tự, dĩchí lý tục đồng mông sởtập, như “Thượng đại nhân Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự cập bỉ xứ tựlập bi khắc, kiến giả tức tiện hủy hoại vật tồn. Kim văn quân trung sở đắc văn tự bất tức lệnh quân nhân phần hủy, tất kiểm thị nhiên hậu phần chi. Thả quân nhân đa bất thức tự, nhược nhất nhất lệnh kỳ như thử, tất trí truyền đệ di thất giả đa. Nhĩ kim nghi nhất như tiền sắc, hiệu lệnh quân trung đãn ngộ bỉ xứsở hữu nhất ứng văn tự tức tiện phần hủy, vô đắc tồn lưu).
(25) Chỉ người Việt.
(26) Sắc chỉ đề ngày19 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (25 - 6 - 1407), Việt kiệu thư,Sđd, Q. 2; tờ 50a - b. Nguyên văn: 今安南已平[。。。]除制諭外應發去手敕及記事小帖成國公領帶去小冊子。及條畫事件。盡數檢對。密封繳來。不許存留一字。漏落在彼不便(Kim An Nam dĩ bình [...] Trừ chế dụ ngoạiứng phát khứ thủ sắc, cập ký sự tiểu thiếp Thành Quốc công lĩnh đới khứ tiểu sách tử,cập điều hoạch sự kiện, tận số kiểm đối, mật phong kiểu lai. Bất hứa tồn lưu nhất tự, lậu lạc tại bỉ bất tiện).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét